Thanh quản có các chức năng rất quan trọng: phát âm, hô hấp và bảo vệ đường hô hấp dưới. Đây là khu vực rất dễ bị viêm do thường xuyên tiếp xúc với virus, vi khuẩn, dị nguyên,... Do đó, viêm thanh quản cấp tính là bệnh rất nhiều người gặp phải. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về viêm thanh quản cấp tính.
Viêm thanh quản cấp tính là gì?
Viêm thanh quản cấp là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm, phù nề, đôi khi có loét, kéo theo sưng dây thanh âm kéo dài dưới 3 tuần. Đôi khi bệnh có thể lan xuống các lớp sâu hơn làm viêm cơ, gây biến dạng âm thanh khi không khí đi qua, kết quả làm khàn giọng, thậm chí là mất giọng.
Viêm thanh quản cấp tính có biểu hiện lâm sàng khác nhau theo lứa tuổi, gặp ở cả người lớn và trẻ em.
Hình ảnh thanh quản khi bị viêm
Nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là bệnh ở thanh quản do các vi sinh vật gây ra như: virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng cụ thể như:
- Nhóm virus phổ biến: Influenzae (cúm), APC,...
- Vi khuẩn thường gặp: S.pneumoniae (phế cầu), Haemophilus influenzae
- Trực khuẩn bạch hầu ngày nay ít gặp hơn
Viêm thanh quản dễ tiến triển hơn khi gặp các điều kiện thuận lợi:
- Sau một đợt viêm đường hô hấp: viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang hay viêm phổi.
- Mắc các bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như đái tháo đường…
- Bệnh lý dễ tác động đến thanh quản như: trào ngược dạ dày
- Sinh hoạt, ăn uống tác động đến thanh quản như sử dụng rượu, bia, hoặc nói nhiều, gắng sức
Virus Influenzae (cúm) là một trong những nguyên nhân phổ biến
Chẩn đoán viêm thanh quản cấp tính
Để chẩn đoán viêm thanh quản cấp tính, các bác sĩ thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng, hoặc cận lâm sàng.
Lâm sàng
Người bị viêm thanh quản cấp tính thường có các triệu chứng như:
- Triệu chứng cơ năng: có sự thay đổi giọng nói như khàn giọng, khóc khàn ở trẻ em; ho khan hoặc ho có đờm nhầy. Ở người lớn ít có biểu hiện khó thở nhưng trẻ em dễ gặp hiện tượng này, nhất là khi bị viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn.
- Triệu chứng toàn thân: Tùy thuộc vào nguyên nhân và điều kiện gây bệnh mà có triệu chứng sốt hoặc chỉ gai sốt, ớn lạnh hay mệt mỏi,...
- Triệu chứng thực thể: Khi khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, amidan có thể sưng. Khám thanh quản bằng gương soi hoặc nội soi thanh quản thấy niêm mạc phù nề, đỏ ở vùng thanh môn, tiền đình thanh quản. Đặc biệt, dây thanh sung huyết đỏ, phù nề, khép không kín khi phát âm, có thể xuất tiết nhầy ở mép trước dây thanh.
Hình ảnh viêm thanh quản qua nội soi
Cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng cho thấy viêm thanh quản cấp tính khi có các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng. Tuy nhiên cũng nên chụp X quang tim phổi để loại trừ bệnh phế quản phổi kèm theo.
Phân loại viêm thanh quản
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, viêm thanh quản ở trẻ em phân loại như sau:
- Viêm thanh quản hạ thanh môn: Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ 1-3 tuổi. Thường phát hiện về đêm, tiến triển từ viêm mũi họng thông thường đột nhiên xuất hiện khó thở thanh quản. Trẻ có tiếng ho cứng, giọng nói trầm hơn. Tuy nhiên sáng dậy trẻ vẫn chơi bình thường. Nếu xuất hiện tình trạng này mấy đêm liên tục, cha mẹ nên cho trẻ đi soi thanh quản ống mềm để xác định.
- Viêm thanh quản co thắt hoặc viêm thanh quản giả bạch hầu: Xuất hiện viêm hoặc phù nề khu trú vùng hạ họng. Co thắt thanh quản thường gây ra các cơn khó thở thường xảy ra nửa đêm về sáng. Cơn ho được mô tả như ho ông ổng, co kéo cơ hô hấp và các cơ liên sườn.
- Viêm thanh nhiệt với biểu hiện thanh nhiệt bị sưng nề, nuốt đau cảm giác vướng. Trẻ tiết nhiều nước bọt, khó thở tăng khi nằm ngửa. Thường do Haemophilus influenzae gây ra.
- Viêm thanh quản bạch hầu: do vi khuẩn Loeffler khi xâm nhập vào thanh quản gây ra phù nề và loét có màng giả. Màng này màu trắng, dai, dính, gây bít tắc đường thở làm khó thở, nói khàn. Có thể kèm theo sốc nhiễm độc.
Đối với người lớn, viêm thanh quản thường phân loại thành các thể bệnh sau:
- Thể xuất tiết: có triệu chứng giống viêm xuất tiết thông thường như sốt, mệt mỏi kéo dài. Khi khám thanh quản thấy có điểm xuất huyết dưới niêm mạc, đây là dấu hiệu đặc trưng của viêm thanh quản do cúm.
- Thể phù nề: là giai đoạn tiếp theo của thể xuất tiết. Phù nề thường khu trú ở thanh nhiệt và mặt sau của sụn phễu. Người bệnh có cảm giác nuốt đau, đôi khi có khó thở.
- Thể loét: Khi soi thanh quản thấy có những vết loét nông, bờ đỏ, sụn phễu và sụn thanh nhiệt bị phù nề.
- Thể viêm tấy: Biểu hiện sốt, triệu chứng cơ năng rõ rệt, khó nuốt, đau họng, giọng khàn, có thể nhói bên tai. Khám thực thể sẽ thấy vùng trước thanh quản viêm tấy, sưng to, khi ấn thấy đau.
- Thể hoại tử: xảy ra khi màng sụn bị viêm,các tổ chức liên kết bị lỏng lẻo ở cổ và bị viêm tấy, cứng hoặc viêm tấy mủ. Thanh quản lúc này bị sưng to, có màng giả che phủ. Người bệnh cảm thấy khó nuốt, khó thở, mệt mỏi khi nói. Triệu chứng toàn thân xuất hiện rầm rộ hơn như: sốt cao, mạch nhanh yếu, thở nhanh và nông,...
Điều trị viêm thanh quản cấp tính như nào?
Điều trị viêm thanh quản cấp tính dựa vào nguyên nhân, tình trạng và khả năng tiến triển bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với viêm thanh quản cấp không khó thở:
- Quan trọng nhất là hạn chế sử dụng giọng nói, tránh những thực phẩm lạnh.
- Điều trị nội khoa gồm các nhóm thuốc: kháng sinh, giảm viêm, kháng histamin, tiêu đờm, giảm ho,...
- Có thể điều trị tại chỗ với các nhóm thuốc: corticoid, men tiêu viêm,...
- Cần nâng cao sức đề kháng, kèm theo bổ sung dinh dưỡng và điện giải,...
Viêm thanh quản cấp có biểu hiện khó thở: dựa vào mức độ khó thở mà các bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp:
- Khó thở thanh quản độ 1 được điều trị nội khoa.
- Khi khó thở mức độ 2, cần mở khí quản cấp cứu.
- Khó thở thanh quản độ 3 áp dụng mở khí quản cấp cứu kết hợp với hồi sức tích cực.
Nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm trong bữa ăn để nâng cao sức đề kháng
Biện pháp phòng ngừa viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp ở người lớn thường ít xảy ra tình trạng nguy hiểm và khả năng phục hồi tốt hơn, nhưng ở trẻ em, cần theo dõi sát sao vì dễ gây khó thở thanh quản. Nên có những biện pháp giúp tăng sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa bệnh hiệu quả như:
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Không nên hút thuốc lá hoặc tránh hút thuốc lá bị động.
- Vệ sinh mũi họng, khoang miệng đúng cách.
- Nên có thiết bị âm thanh hỗ trợ đối với những người phải sử dụng giọng nói thường xuyên, tránh nói to.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách rèn luyện thể thao và chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là trẻ em vào mùa lạnh.
Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm thanh quản cấp tính để có hướng xử trí thích hợp. Mọi thông tin thắc mắc cần tư vấn về bệnh đường hô hấp, bạn đọc vui lòng để lại bình luận bên dưới để được giải đáp cụ thể.