Thông tin về Adenovirus ở trẻ em đang được nhiều người quan tâm do số trẻ mắc tăng cao bất thường trong thời điểm vừa qua. Trong bài viết này TTƯT.TS.BS Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về dấu hiệu trẻ bị Adenovirus với cảm cúm nhé!
Theo TS. BS Trần Anh Tuấn cho biết, Adenovirus hay virus cảm cúm đều là virus đường hô hấp. Do đó, về phương diện biểu hiện triệu chứng, cả 2 loại virus có thể giống nhau như sốt, ho, nghẹt mũi, đau họng, đau ngực, khó thở… Vì vậy, khó để phân biệt rạch ròi 2 loại virus này.
Tuy nhiên, có một số yếu tố gợi ý khiến chúng ta có thể nghĩ đến Adenovirus. Đầu tiên, Adenovirus có thể có những biểu hiện khác như viêm kết mạc, mắt đỏ, sưng hạch cổ. Ngoài ra, có một số yếu tố gợi ý khác như rối loạn tiêu hóa như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Triệu chứng về tiêu hóa cũng khá thường gặp trong Adenovirus hơn so với cảm cúm.
Cuối cùng, một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt đó là cứ căn cứ vào dịch tễ. Chẳng hạn, nếu 3 ngày trước chúng ta có tiếp xúc người bệnh cảm cúm thì khả năng cao là mình có thể bị cảm cúm. Thời gian ủ bệnh của Adenovirus thường kéo dài hơn nên đôi khi chúng ta không để ý đến. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng ở khu vực đó có nhiều bệnh nhân, trẻ em đã xác định nhiễm Adenovirus, đồng thời có những biểu hiện tương tự thì cần nghĩ ngay tới Adenovirus.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn cho biết, đối với Adenovirus, triệu chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Nhìn chung, trong những trường hợp nhiễm đường hô hấp, Adenovirus chiếm tỷ lệ khoảng 5%. Những trường hợp này có thể biểu hiện nhẹ dưới dạng sốt, viêm họng hoặc viêm tai giữa.
Đối với những trường hợp viêm hô hấp dưới, Adenovirus có thể gây 2 tình trạng là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Adenovirus cũng là một tác nhân quan trọng mà chúng ta phải nghĩ tới khi trẻ bị viêm tiểu phế quản bởi khả năng này chiếm tỷ lệ khoảng 15%.
Trẻ bị nhiễm Adenovirus thường có các triệu chứng giống như cảm cúm
Cần lưu ý rằng, ở trẻ em dưới 2 tuổi, viêm tiểu phế quản chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhập viện. Nếu chẳng may trẻ bị viêm tiểu phế quản do Adenovirus type 3, 7, 14 và 21 thì tình trạng bệnh có thể nặng kéo dài và gây ra nhiều biến chứng hơn.
Viêm phổi cũng là vấn đề mà quý phụ huynh nên quan tâm bởi đây là trường hợp nặng khiến nhiều bệnh nhi suy hô hấp, thậm chí tử vong. Adenovirus chiếm tỷ lệ khoảng 10 % các trường hợp viêm phổi ở trẻ em.
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, biểu hiện hàng đầu là ho. Đối viêm tiểu phế quản, trẻ còn có thể có thêm biểu hiện khò khè, thở nhanh - đây là dấu hiệu sớm nhất giúp cha mẹ nhận biết con mình đang bị viêm phổi Adenovirus. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể có biểu hiện thở rút lõm. Điểm đặc biệt là khi nhiễm Adenovirus, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng ho giống như ho gà. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, nếu trẻ có dấu hiệu ho gà thì quý phụ huynh cần lưu ý đến Adenovirus.
Một triệu chứng phổ biến khác do Adenovirus là viêm kết mạc mắt và những biểu hiện về đường tiêu hóa như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy… Trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhi sẽ có biểu hiện giống như viêm ruột thừa hoặc lồng ruột.
Trẻ bị nhiễm Adenovirus có thể bị viêm kết mạc mắt
Hiếm khi, Adenovirus có thể gây viêm màng não với những biểu hiện như sốt, nhức đầu, co giật, ói mửa, hội chứng màng não, rối loạn tri giác… Một số thể Adenovirus có thể gây tổn thương tim, dẫn đến viêm cơ tim. Một số thể khác cũng có thể gây viêm gan nặng.
Có thể thấy, kiểu biểu hiện của Adenovirus rất đa dạng, nó có thể từ không có triệu chứng đến triệu triệu chứng nhẹ giống như cảm ho thông thường rất quen thuộc đến những thể nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản khiến trẻ khó thở phải nhập viện. Thậm chí, Adenovirus còn có những thể rất đặc biệt như viêm tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và nhiều trường hợp nặng khác mà chúng ta cần lưu ý.
Theo như TS.BS Trần Anh Tuấn cho biết, để điều trị trẻ bị nhiễm Adenovirus thì bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc vệ sinh mũi họng, giúp trẻ thông thoáng cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị trẻ bị nhiễm Adenovirus.
Một trong những giải pháp giúp phòng ngừa và hỗ trợ cải thiện triệu chứng trẻ bị nhiễm Adenovirus là sử dụng lợi khuẩn đường hô hấp. Hai lợi khuẩn có khả năng sống cao, tác dụng tốt trên đường hô hấp là Bacillus clausii và Bacillus subtilis. Khi vào cơ thể, lợi khuẩn sẽ di chuyển đến khu vực đang bị tổn thương ở niêm mạc đường hô hấp, tạo màng nhầy biofilm bao phủ vết thương, kích thích các tế bào niêm mạc mũi, giúp ức chế mầm bệnh, từ đó hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng ho, viêm họng, sổ mũi, ngạt mũi do Adenovirus gây nên. Bên cạnh đó, lợi khuẩn còn giúp tăng cường sức đề kháng niêm mạc đường hô hấp từ đó phòng ngừa tái phát các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em.
Sử dụng lợi khuẩn đường hô hấp hỗ trợ cải thiện triệu chứng Adenovirus ở trẻ
Qua những tư vấn của TTƯT.TS.BS Trần Anh Tuấn các mẹ đã có thêm những kiến thức để phân biệt dấu hiệu trẻ bị nhiễm Adenovirus hay cảm cúm và nêu rõ các dấu hiệu nhận biết rõ khi trẻ bị nhiễm Adenovirus. Nhờ đó, mẹ có phương pháp điều trị cụ thể, tránh những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Đặng Huyền.